Rup halin ( about me)

Ảnh của tôi
Dalam tanâh Yuen hu anâk Cam saong nagar Cam

Sang/Home

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Làng Chăm bên "Hồ Nước Trời"


Nằm giữa 3 xã biên giới Khánh Bình, Khánh An, Nhơn Hội thuộc huyện An Phú, An Giang, "Hồ Nước Trời" bốn mùa trong xanh lặng lờ mặc dù thông nước với con sông Bình Di cuồn cuộn đục ngầu nước lũ qua cửa hồ rộng hàng trăm mét.
Dân quanh vùng cho đây là một điều bí ẩn không giải thích được.
Truyền thuyết kể rằng cách đây khoảng 200 năm có một mùa khô hạn kéo dài, để tìm nước dùng cho binh sĩ, một vị tướng nhà Tây Sơn đã dâng lễ vật cúng trời Phật trước khi rút gươm đâm xuống đất. Lạ thay, một dòng nước trào lên đọng thành một hồ nước trong vắt. Từ đó người dân quanh vùng đặt tên cho hồ nước là Búng Bình Thiên, có nghĩa là “Hồ Nước Trời”.
Lang Cham ben Ho Nuoc Troi
Búng Bình Thiên nhìn từ nơi giao nhau với sông Bình Di
Ngoại trừ ngày Lễ hội văn hóa mùa nước nổi lần 2 được tổ chức đầu tháng chín vừa qua, quanh năm hồ nước rộng 200ha - một trong những hồ nước ngọt rộng nhất miền Tây này bình yên hoang sơ đến nao lòng.
Những người yêu nét nguyên thủy của thiên nhiên nên tranh thủ đến đây, bởi đang có dự án đầu tư 1.000 tỉ đồng xây dựng khu du lịch Búng Bình Thiên.
Rời trung tâm thị xã Châu Đốc, theo tỉnh lộ 956, qua Cồn Tiên có xóm Chăm Đa Phước bình yên, qua những cánh đồng nước mênh mông. Đến km23+100 là ngã tư Quốc Thái, quẹo trái đi khoảng 2,5km là đến Búng Bình Thiên. Bạn có thể đón xe buýt ở bến xe trung tâm Châu Đốc đến ngã tư Quốc Thái, giá vé 7.000đ.
Thời điểm này đi quanh bờ Búng Bình Thiên bạn sẽ được “rửa mắt” cảnh đánh bắt cá đặc trưng mùa nước nổi của bốn dân tộc Kinh, Hoa, Khơme, Chăm sống ven hồ và những ruộng sen nhiều hoa, những lùm điên điển vàng rực bông.
Trong số xóm làng bốn dân tộc sống quanh Búng Bình Thiên, làng Chăm có nét riêng nhất bởi đặc điểm sống rất cộng đồng không lẫn lộn với những người dân tộc khác.
Đi thăm làng Chăm đã hình thành hơn 100 năm với hàng trăm nhà sàn san sát nhau quanh một thánh đường, bạn dễ gặp những hình ảnh êm đềm: những cụ già đi lễ, những cô gái Chăm trong trang phục tuyền thống, đầu trùm kín khăn đi trên đường làng, trẻ thơ đùa nghịch dưới bóng nhà sàn…
Nếu có tài “ngoại giao” bạn nên xin ngủ đêm ở nhà người Chăm nào đó để tìm hiểu cách sống của người Chăm theo đạo Hồi thì chuyến đi càng thú vị. Càng tuyệt vời hơn nếu được gia chủ đãi bạn món cà ri và món “tung lò mò” (lạp xưởng bò) truyền thống.
Lang Cham ben Ho Nuoc Troi
Hàng trăm nhà sàn người Chăm trên bờ Búng Bình Thiên
Bạn cũng đừng quên khám phá những quán và món ăn rất “Búng Bình Thiên”.
Dọc làng Chăm có gần chục quán “cóc sàn” (quán như nhà sàn người Chăm thu nhỏ) khá ngộ. Chủ quán là những người nông dân, mùa lúa đi làm đồng, mùa nước nổi dọn ra bán. Vì vậy, món ăn quá mộc mạc và “siêu” rẻ nhưng rất ngon. Quán bún nước lèo cá lóc bán buổi sáng ở xóm Chăm chỉ 2.000đ/tô. Quán bánh khọt của bà Hai Quẹo, một đĩa sáu cái chỉ 1.000đ có kèm rau sống. Bánh xèo “nhụy” bông điên điển của cô Bảy bán 1.000đ/đĩa hai cái “chà bá”. Tô bún nước lèo của chị Năm giá 1.500đ ăn với rau muống ruộng dòn ngọt hái bên ruộng Miên….
Lang Cham ben Ho Nuoc Troi
Những cô gái Chăm xinh đẹp bên bờ Búng Bình Thiên
Điều thú vị khi đến Búng Bình Thiên xem như bạn đã đứng trên “đầu con lũ”. Nếu khám phá “Hồ Nước Trời” và làng Chăm mà vẫn còn thời gian những ngày nghỉ cuối tuần, bạn có thể tham quan Giồng Cây Da có cây da to 18 người ôm ở ấp 1, xã Vĩnh Khánh cách Búng Bình Thiên khoảng 7km; lang thang thị trấn biên giới Long Bình cách Giồng Cây Da vài kilômet.
ĐĂNG KHOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét