Rup halin ( about me)

Ảnh của tôi
Dalam tanâh Yuen hu anâk Cam saong nagar Cam

Sang/Home

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Người tham gia làm rõ vai trò người Chăm

40 tuổi, Phú Văn Hẳn (Ja Samad Han) bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; đã công bố nhiều công trình nghiên cứu về người Chăm; là một trong những gương điển hình tại Đại hội Thi đua TPHCM năm 2005

Ngày nay, ai cũng hiểu văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, góp phần làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Và văn hóa Chăm cũng góp phần đáng kể”. TS Phú Văn Hẳn (Ja Samad Han) với tư cách người tham gia làm rõ vai trò của các dân tộc thiểu số nói chung, người Chăm nói riêng đã cho biết như vậy. Bản sắc văn hóa chính là sức mạnh
Phú Văn Hẳn, người dân tộc Chăm, sinh ra, lớn lên tại Phan Rang (Ninh Thuận). Học xong THPT, anh thi đỗ vào Trường ĐH Tổng hợp TPHCM. Năm 1988, anh về công tác tại Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, nghiên cứu ngôn ngữ Chăm, sau đó, được đi tu nghiệp tại Malaysia (1993-1995). Anh đã có nhiều công trình nghiên cứu được công bố trong và ngoài nước. 40 tuổi (2003), Phú Văn Hẳn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành ngôn ngữ. Hiện, TS Phú Văn Hẳn còn là Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc TPHCM và là một trong những gương điển hình tại Đại hội Thi đua TPHCM năm 2005. Theo anh, mỗi dân tộc ở VN có thể khác nhau về hoàn cảnh, về lịch sử phát triển, về dân số, về truyền thống và bản sắc riêng, nhưng đó chính là tâm hồn, bản chất, ý chí, sức mạnh của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Qua 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, lịch sử đã chứng minh điều ấy. Thời gian gần đây, một số người Hồi giáo cực đoan tiến hành khủng bố ở một số nước trên thế giới, càng thôi thúc những trí thức người Chăm như anh phải nghiên cứu và lý giải cho mọi người hiểu thêm về người Chăm và cộng đồng người Chăm Islam ở VN, cùng những nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Mong làm được nhiều điều tốt
Theo thời cuộc, người Chăm có một bộ phận đã thực hiện một cuộc hành trình dài qua đất Chân Lạp, Xiêm La, Malacca... quay lại An Giang và Tây Ninh, rồi đến Sài Gòn sinh sống. Do đó, tín ngưỡng dân tộc của họ đã tiếp nạp ảnh hưởng của tôn giáo mới từ các cộng đồng dân tộc khác trên con đường di chuyển. Đến Nam Bộ, cộng đồng Chăm lại gặp đồng đạo người Ấn, người Afghanistan, người gốc Buwean (Malaysia và Indonesia). Cho nên rất dễ hiểu khi hầu hết người Chăm ở Nam Bộ đều theo đạo Islam. Tuy nhiên, người Chăm trong quá trình phát triển văn hóa cũng đã dung hòa với yếu tố văn hóa Islam và văn hóa các dân tộc sống chung quanh. Người Chăm theo đạo Islam đều tin con người luôn chịu sự chi phối của thượng đế; tin vào ngày phán xét cuối cùng. Niềm tin ấy khuyến khích họ làm thật nhiều điều tốt để sau này được thượng đế ban thưởng vào thiên đàng. Tháng chay Ramadan (tháng 9 Hồi lịch), người Chăm luôn phải giữ mình trong sạch, phải chịu thử thách. Họ nhịn mọi thứ vào ban ngày và chỉ được phép ăn uống, hút thuốc vào ban đêm, không được hát xướng, vui chơi, không được gây gổ, cãi vã... Qua đó, họ thông cảm với những người nghèo khổ và tha thứ lỗi lầm cho nhau. Người Chăm quan niệm cuộc sống hiện tại là tạm bợ, nên việc tổ chức tang ma tương đối đơn giản hơn so với các cộng đồng khác. TS Phú Văn Hẳn cho rằng, người Chăm Islam ở TPHCM và các tỉnh Nam Bộ tin vào thượng đế, tin vào Đức Muhammad, xem kinh Koran là chuẩn mực đạo đức để phán định các vấn đề. Họ luôn muốn làm nhiều việc tốt đẹp cho đời để được hưởng phước lộc sau ngày phán xét.
Những việc làm cụ thể cho đồng bào Chăm
Qua những gì mà bản thân anh, những trí thức trẻ người Chăm, bà con người Chăm, kể cả người Chăm Islam làm lâu nay đã được cộng đồng các dân tộc anh em, và chính quyền ủng hộ, TS Phú Văn Hẳn nói: “Gần 20 năm sống, làm việc tại TPHCM, tôi và bà con người Chăm rất biết ơn Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã có những chính sách tốt cho đồng bào dân tộc ít người nói chung, đồng bào người Chăm nói riêng. Cụ thể, ngày 1-5-2005, chương trình phát thanh tiếng Chăm lần đầu tiên được phát trên Đài Tiếng nói VN. Năm 2004, Bộ VHTT tổ chức “Những ngày văn hóa Chăm” ở Hà Nội. Đây là hoạt động văn hóa Chăm lớn nhất từ trước đến nay – sự kiện đặc biệt trong lịch sử văn hóa Chăm, và là dịp để những đại biểu người Chăm ở các vùng miền trong cả nước gặp nhau. Riêng tại TPHCM, Thành ủy đã chỉ đạo cho ngành giáo dục miễn 100% học phí cho con em người Chăm từ lớp 1 đến lớp 12. Đặc biệt, UBND TPHCM có quyết định cho cộng đồng người Chăm một nghĩa trang nằm trong nghĩa trang TP (Đa Phước, Bình Chánh). Quyết định này làm cho người Chăm TPHCM xúc động lắm, bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử Chăm, người Chăm có một nghĩa trang riêng. Chính những việc làm thiết thực ấy đã giúp chúng tôi vững tin vào cuộc sống, và thấy cần phải cố gắng hơn nữa để góp phần bồi đắp, phát huy nền văn hóa đa địa phương, đa sắc tộc của TP”.
NHÃ THUẦN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét