Rup halin ( about me)

Ảnh của tôi
Dalam tanâh Yuen hu anâk Cam saong nagar Cam

Sang/Home

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Dấu vết Chămpa ở Hoàng thành Thăng Long

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới hôm 1-8. Nhân sự kiện này, thử trở lại với những cấu kiện kiến trúc bằng đá hay nghệ thuật trang trí mang phong cách Apsara… để hình dung về sự hiện diện của văn hóa Chăm.
alt
Đầu chim uyên ương bằng đất nung trang trí trên cung điện thời Lý - Trần.
Voi Chăm ở Thăng Long
Với vai trò là trung tâm chính trị, văn hóa của quốc gia Đại Việt, kinh thành Thăng Long là nơi còn để lại nhiều dấu ấn huy hoàng có liên quan đến voi. Và cũng từ con vật tinh khôn này đã lưu truyền nhiều câu chuyện thú vị về mối quan hệ giữa Đại Việt và Chămpa. Các triều đại như Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê... thường dùng voi trong sinh hoạt cung đình. Đến thời Nguyễn, voi được dùng trong chiến đấu nên tượng binh có số lượng nhiều hơn. Voi được mang đến kinh thành Thăng Long từ nhiều nguồn khác nhau nhưng chủ yếu là vật triều cống cũng như nguồn chiến lợi phẩm thu được. Vương quốc Chămpa cũng từng nổi tiếng với việc dùng voi trong chiến trận, hoạt động bang giao, buôn bán và sinh hoạt cung đình. Sử cũ ghi lại nhiều sự kiện tiến cống của Chămpa cho Đại Việt. Cống phẩm của Chămpa phần lớn là voi trắng. Thời nhà Lý, liên tục từ năm 1068 đến năm 1112, cứ đến mùa thu tháng 8 năm nào Chămpa cũng cử người đi sứ tiến cống voi trắng cho nước Đại Việt. Thời nhà Trần, vào mùa xuân các năm 1269, 1279, 1307, Chămpa cũng tiến cống voi trắng cho Đại Việt. Đặc biệt, sử cũ cũng ghi rằng vào mùa xuân năm 1352, vua Chămpa cử sứ giả tên là Chế Nỗ mang cống vật gồm voi trắng, ngựa trắng... dâng cho Đại Việt.
alt
Vũ nữ Apsara trang trí trên bệ tháp thời Lý.
Voi xuất hiện với màu sắc đầy tính huyền thoại trong các truyền thuyết ở đất Thăng Long. Chùa Phổ Giác ở phố Ngô Sĩ Liên được dân gian gọi chùa Tàu (tàu ngựa, tàu voi), bởi lẽ đây là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng voi ở kinh thành Thăng Long. Sau những lần chinh phạt Chiêm Thành số lượng voi mang về Đại Việt cũng không nhỏ. Số lượng voi đông đúc vẫn được duy trì cho đến năm 1688 khi mà W.Dampier vẫn còn thấy “số lượng voi Thăng Long vào khoảng 150 đến 200 con, chúng được cho uống nước và tắm hàng ngày trên dòng sông (sông Hồng)”. Sách sử cho biết từng có một vị hoàng thân nhà Trần cưỡi voi tới khu vực người Chăm gần kinh thành chơi liền ba ngày. Ngôi chùa Tàu được dựng lên ngoài chức năng ban đầu là tàu voi còn là nơi thể hiện tâm linh của người Chăm. Trong tuyển tập văn bia Hà Nội có nhắc đến “miếu Dương Võ”, nơi thờ 3 người quản tượng giỏi chuyên dạy voi đực ở phương Nam (Chămpa).
Dấu tích Chăm ở Hoàng thành
Sự góp mặt của văn hóa Chăm ở kinh thành Thăng Long đã làm phong phú thêm và khẳng định sự dung hợp, thâu nhận các giá trị, tinh hoa văn hóa vào quốc gia Đại Việt thời bấy giờ. Điều đó đã làm cho Hoàng thành Thăng Long thêm tỏa sáng, xứng đáng là di sản văn hóa của nhân loại mà UNESCO đã công nhận, khi cả nước hướng đến Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
Khi khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều dấu tích Chămpa, khẳng định sự có mặt của người thợ Chăm trên Hoàng thành Thăng Long là lịch sử đã chép. Từ những dấu vết kiến trúc ở hố khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện một phần ngôi tháp nhiều tầng bằng sứ thời Lý với nghệ thuật trang trí khá độc đáo gồm rồng, cánh sen và các phù điêu tiên nữ bay nhảy - phảng phất chút ít phong cách Apsara trong nghệ thuật Chămpa. Những phù điêu bằng sa thạch ở Trà Kiệu - Quảng Nam (thế kỷ X) có tư thế và động tác giống với các vũ nữ trên các ô hộc của mảnh tháp trắng thời Lý ở Hoàng thành Thăng Long. Có thể xem đây là một bằng chứng khảo cổ học về mối quan hệ gắn bó Việt - Chăm từ sau thế kỷ X.
alt
Thần Siva ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

alt
Viên gạch có chữ Chăm cổ.
Trên kinh thành Thăng Long người ta có thể nhận thấy rất nhiều cấu kiện kiến trúc bằng đá, chủ đạo là sa thạch. Đây là một loại đá rất gần gũi với người thợ Chămpa, loại đá không có thớ, dễ đục đẽo, tạo hình. Gần như toàn bộ các tảng kê cột của kiến trúc Hoàng thành đều bằng đá và được chạm hoa sen rất đẹp, nhất là những tảng kê cột thời Lý. Những bệ tượng tạo hình rồng, đặc biệt là những bậc lan can trang trí rồng, phượng, sóng nước, vân mây cực kỳ tinh xảo của thời Lý chắc chắn có sự can thiệp của người thợ - nghệ sĩ Chămpa. Những nghệ sĩ Chăm mặc dầu thể hiện ý tưởng của người Việt nhưng trên từng nét chạm, nhát đục, vết mài xoa tạo nên những rồng, phượng... của Thăng Long vẫn mang đậm nét những Makara, Garuda, Nagar, Hamsa, Kala... mà họ từng tạo tác ở các đền tháp Chăm quê hương mình. Hình ảnh về chim uyên ương trên những viên ngói úp nóc (thời Lý) được thể hiện hao hao với ngỗng thần Hamsa (vật cưỡi của thần Brahma) trong điêu khắc Chăm. Hai chiếc cánh uyên ương xòe rộng như trong tư thế múa, phần đầu cánh được xoắn lại tạo nên hình cánh cung giống với những đôi cánh của thần điểu Garuda. Viên gạch tháp có tượng thần điểu Garuda là bức tượng hiếm hoi bắt gặp được trong những hố khai quật ở khu vực Văn Lang, Ba Đình, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam với bố cục tạo hình mang đậm phong cách Chăm. Hai nửa viên gạch duy nhất có khắc ký tự Phạn (Sanskrit) được phát hiện ở Hoàng thành Thăng Long. Hai viên gạch này được xem là bằng chứng về sự góp mặt, tham gia xây dựng hay sản xuất vật liệu cho những công trình kiến trúc cung đình đương thời của người Chăm. Qua đó chứng tỏ người Chăm đã mang đến kinh thành kỹ thuật làm ra những viên gạch đỏ tươi, tạo hình đẹp, cùng với màu đỏ của bộ mái rất Việt xây cất lên những kiến trúc lộng lẫy của đất Thăng Long. Trong hệ thống giếng nước mà các nhà khảo cổ học tìm thấy ở khu khai quật Hoàng thành Thăng Long, có một giếng nước mang niên đại vào thời nhà Trần thể hiện rõ phong cách và kỹ thuật Chăm, cụ thể như cách xếp gạch tựa như các giếng Chăm ở miền Trung.
alt
Giếng cổ tại Hoàng thành Thăng Long.
Qua các cuộc khai quật khảo cổ học, nhất là phát hiện di tích Hoàng thành Thăng Long đã khẳng định có những dấu vết văn hóa Chăm ở Thăng Long xưa và Hà Nội nay. Điều này đã phản ánh sống động mối quan hệ Việt- Chăm lâu dài trong trong lịch sử. Cùng với những hiện vật phát hiện từ các cuộc khai quật khảo cổ học và hiện vật được chuyển giao, kế thừa từ các bảo tàng và nhiều nguồn khác nhau, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đang trưng bày một bộ sưu tập hiện vật điêu khắc Chămpa khá độc đáo để du khách đến Hà Nội có thể chiêm ngưỡng những kiệt tác của dân tộc Chăm.
TẤN VỊNH